Trạm BOT bán vé tháng sai quy định: Bộ GTVT ‘nghiêm khắc phê bình’
Tin tức tai nạn giao thông – Bộ GTVT đã có văn bản “nghiêm khắc phê bình” đối với các trạm BOT bán vé tháng sai quy định theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM.
Mới đây, như chúng tôi đã đưa tin, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM có phản ánh tình trạng một số trạm thu phí thực hiện không đúng quy định của Bộ GTVT.
Cụ thể, theo đại diện Hiệp hội này, việc tổ chức thực hiện tại một số trạm thu phí chưa theo đúng theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT như:
“Không bán vé tháng, chỉ bán vé lượt hoặc chỉ bán vé tháng trong một số ngày nhất định chứ không bán thường xuyên;
Giá trị sử dụng chỉ tính từ ngày bán vé đến ngày cuối tháng chứ không tính đủ 30 ngày từ ngày mua đến 30 ngày sau đó (ví dụ nếu mua ngày 10 thì chỉ tính đến ngày 30, sử dụng chỉ được 20 ngày nhưng giá trị của vé là 30 ngày)”.
Liên quan đến nội dung trên, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua kiểm tra có 1 trạm thu giá chậm triển khai bán vé tháng, vé quý theo quy định của Thông tư 35 (trạm thu giá tại Km 2016+400 của Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước theo hình thức BOT.
Có 2 trạm thu giá bán vé tháng, vé quý chưa đúng quy định của Thông tư 35 gồm:
Một trạm thu giá của Công ty cổ phần đầu tư cầu Mỹ Lợi thu hoàn vốn cho Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Lợi (Km34+826, QL50) trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT.
Một trạm thu giá Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT.
Có 1 trạm thu giá không thực hiện việc bán vé tháng, vé quý theo quy định của Thông tư 35 (trạm thu giá QL1K thu hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1K đoạn Km3+300 – Kml2+987 (không bao gồm cầu Hóa An) trên địa phận các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM theo hình thức BOT).
Trong văn bản mới đây nhất gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 4 đơn vị nêu trên, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình các các doanh nghiệp dự án chưa thực hiên viêc bán vé tháng, vé quý theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ này cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, thông báo công khai và niêm yết các thông tin về mức giá, đối tượng thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đối tượng miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (nếu có) tại nơi bán vé và trạm thu giá theo quy định của pháp luật. Xem thêm tin tuc oto mới nhất ở đây.
Đáng chú ý là theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận có 9 trạm thực hiện không đúng quy định gồm:
Trạm thu giá Chợ Đệm (Tân Túc, Bình Chánh, Hồ Chí Minh); Trạm thu giá Xa lộ Hà Nội (Phước Long A, Quận 9, Hồ Chí Minh); Trạm thu giá Phú Mỹ (Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Hồ Chí Minh); Trạm thu giá Nguyễn Văn Linh (Quận 7, Hồ Chí Minh); Trạm thu giá QL 1K.
Trạm thu giá cầu Rạch Miễu (An Khánh, Châu Thành, Bến Tre); Trạm thu giá Quốc lộ 1 tại lý trình Kml841+912 (Xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai); Trạm thu phí cầu Mỹ Lợi (Km2+352 bên phía bờ Tiền Giang); Trạm thu phí BOT Bình Phước (139 QL14, Đồng Tiến, Đồng Phú, Bình Phước).
Trao đổi với chúng tôi sáng 21/11, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin về việc Bộ GTVT chỉ đưa ra 4 trạm vi phạm chứ không phải 9 trạm như Hiệp hội phản ánh.
Nguồn: tin tức