Chiến lược đưa Haravan trở thành smartphone
Trong kế hoạch của CEO Huỳnh Lâm Hồ, Haravan sẽ là chiếc smartphone không thể thiếu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
>>> Xem thêm mua hosting tại đây!
Huỳnh Lâm Hồ – CEO của Haravan
Giải mã Haravan
Haravan, công ty chủ quản website cung cấp các giải pháp hỗ trợ bán hàng trực tuyến Haravan.com vừa công bố hợp tác với Kiotviet.vn và thitruongsi.com trong thời hạn 1 năm.
Với quyết định này, Haravan có thêm ít nhất 300 khách mới từ nhóm 5.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ Kiotviet.vn và khoảng 20.000 nhà cung cấp, 204.000 khách mua sỉ đang tham gia thitruongsi.com.
Tất nhiên, nhóm khách hiện hữu của Haravan có thêm kênh tìm nguồn hàng mới qua ứng dụng thị trường sỉ tích hợp ngay trong quản trị, đồng thời có thể sử dụng phần mềm quản lý Kiot Việt để đồng bộ quản lý các kênh bán hàng khác nhau.
>>> Xem thêm thuê vps tại đây!
Trước kiotviet.vn và thitruongsi.com, Haravan đã kết nối với hơn 50 nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ giao hàng, quảng cáo đến thiết kế website.
Với cách đi mà CEO Huỳnh Lâm Hồ đang điều hành Haravan, đó là cung cấp nền tảng xây dựng website bán hàng, để ai cũng có thể kinh doanh trên website, facebook dễ dàng, với chi phí rẻ, những cái bắt tay kiểu này chắc chắn còn tiếp tục.
Bên cạnh kết nối với nhà cung cấp giải pháp, Haravan cũng đang hợp tác với doanh nghiệp kinh doanh như webtretho.com, 5giay.vn, Adayroi.com, Zalora… để mở rộng kênh bán hàng cho khách hàng sử dụng nền tảng kinh doanh Haravan. Khi khách hàng cập nhật hàng hóa trên Haravan.com, dữ liệu sẽ được đồng bộ với các website kể trên. Trong đó, webtretho.com và 5giay.vn là đối tác độc quyền của Haravan ở Việt Nam. Cả 2 trang này đều đứng trong top 30 website được truy cập nhiều nhất Việt Nam trong năm 2014.
Giải thích về cách đi của Haravan, CEO Huỳnh Lâm Hồ ví von, Haravan như chiếc smartphone, các giải pháp như các ứng dụng. Có nghĩa là, các doanh nghiệp có thể cài đặt và quản lý thông qua một đầu mối là Haravan.com.
Hiện tại, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi kinh doanh trên mạng phải chuẩn bị các bước cơ bản nhất gồm thuê máy chủ, tạo và bán hàng trên website, bán hàng trên fanpage, tạo tài khoản và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, chọn nhà cung cấp dịch vụ giao hàng, theo dõi và thu hồi tiền giao hàng, tích hợp cổng thanh toán điện tử, quản lý hàng tồn kho, quảng cáo, tiếp thị… Ứng với mỗi khâu này là một nhà cung cấp và một mức phí. Có thể tính ngay, chi phí bỏ ra không hề nhỏ, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp, không có nhiều kinh nghiệm về công nghệ.
“Haravan sẽ giải quyết vấn đề này”, ông Lâm Hồ giải thích. Cá nhân hoặc doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có thể cài đặt và quản lý thông qua một đầu mối là Haravan.com. Khi đó, sẽ chỉ có một doanh nghiệp cung cấp và một mức phí.
Cụ thể, trên nền tảng cơ bản của website do Haravan cung cấp, người kinh doanh có thể cài đặt tên miền riêng, quản lý được tình trạng các đơn hàng, số lượng hàng tồn kho, danh sách khách hàng, kết nối với facebook tự động bằng facebookstore. Sử dụng ứng dụng quản lý inbox, comment của khách trên facebook và ghi nhận nội dung, tình trạng xử lý của từng vấn đề…
“Không kể dịch vụ quảng cáo, giao nhận (là các dịch vụ phát sinh dựa trên nhu cầu thực tế) doanh nghiệp tốn từ 5 đến 8 triệu đồng/năm khi sử dụng dịch vụ của Haravan và các đối tác. Đây là mức thấp hơn giá thiết kế một trang web hiện nay”, ông Hồ tính toán.
Thành lập tháng 3/2014, hiện Haravan có 42.000 tài khoản sing up dùng thử, trong đó, số trả phí là 3.600. Nếu dựa vào báo cáo hồi tháng 6/2015 của Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen, cả nước có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ, CEO Lâm Hồ ước đoán, số kinh doanh trực tuyến chỉ khoảng 700.000, độ lớn thị trường này xấp xỉ 3.500 tỷ đồng/năm. “Chúng tôi kỳ vọng chiếm khoảng 4% thị phần vào năm 2016”, ông Hồ chia sẻ.
Chân dung CEO
Haravan.com hiện có 80 nhân viên, gấp 8 lần so với nhóm 10 người sáng lập vào năm 2013. Nhưng Haravan vẫn đang lỗ, theo lời của CEO Lâm Hồ. Vị CEO này không tiết lộ khoản tiền đầu tư cho Haravan, ngoài việc đang nhận khoản đầu tư từ Seedcom, một quỹ đầu tư mạo hiểm mới được thành lập tại Việt Nam.
Lọc thông tin từ thị trường, có thể Seedcom, quỹ đầu tư đang được cho là bí ẩn, tạo dựng nhiều công ty startup ở Việt Nam, là nhà đầu tư duy nhất vào Haravan tính tới thời điểm hiện tại.
Trả lời câu hỏi, điều gì khiến Seedcom và các đối tác khác chọn một người mới như Haravan, ông Lâm Hồ nói, có thể vì Haravan đến sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trước khi sáng lập và điều hành Haravan, Lâm Hồ kinh doanh thời trang. Thời phát đạt, ông mở đến 4 cửa hàng nhưng sau đó đóng cửa, chỉ giữ lại 1 vì không quản lý nổi.
Khách hàng phân nhóm nhỏ, mua ở cửa hàng, trên website, facebook, diễn đàn… nên cần không chỉ nhân sự để theo dõi mà còn cần hệ thống quản lý tương ứng. Việc quản lý con người, hàng tồn kho, vận hành… tốn thời gian nhưng vẫn không kiểm soát được thất thoát do làm thủ công, trong khi hệ thống quản lý thì không thể ngày một ngày hai là có được.
“Khi đó, chúng tôi xây dựng Haravan để giải quyết vướng mắc cho chính mình, nghĩa là cung cấp các giải pháp công nghệ để hỗ trợ nghiệp vụ quản lý, còn doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc kinh doanh”, ông Hồ kể.
Cũng phải nói thêm, Haravan không tự phát triển tất cả giải pháp mà kết nối với các nhà cung cấp có uy tín và chấp nhận cùng chia sẻ lợi nhuận, bởi theo ông Lâm Hồ, việc kết nối giúp Haravan đi nhanh hơn và đa dạng các giải pháp hơn.
Định hướng này chưa biết đúng hay sai, nhưng hiện Haravan không còn “độc quyền”. Cách đây không lâu, Công ty cổ phần DKT, đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ kinh doanh Bizweb do Quỹ Cyber Agent đầu tư, quyết định mở cửa kêu gọi các đối tác cùng tham gia tương tự Haravan bằng giải pháp Bizweb Sky.
Tuy nhiên, ông Hồ không lo lắng nhiều. “Thị trường đủ lớn để Haravan và Bizweb cùng khai thác. Trước mắt, chúng tôi vẫn tập trung vào nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, song song với việc thử nghiệm dịch vụ với các doanh nghiệp tầm trung”, ông Hồ cho biết.
Theo kế hoạch này, Haravan đóng vai trò nhà cung cấp các giải pháp và trung thành với chiến lược “không đi ăn một mình”. “Chúng tôi sẽ kết hợp với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ nói trên để đáp ứng các yêu cầu của đối tác”, ông Lâm Hồ nói.
Đây cũng có thể là cách tạo sức mạnh bó đũa để Haravan có chỗ đứng khi tới đây, các đối thủ nước ngoài sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.
“Thế mạnh của chúng tôi là hiểu rõ văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, tôi đặt niềm tin vào thị trường này”, CEO Lâm Hồ tự tin khi nhìn vào tương lai của Haravan và những đối tác nội địa.